Đồng hồ Julius - Bên cạnh những tiện ích mà Android Wear cung cấp cho người dùng, vẫn còn đó những hạn chế cần được nhanh chóng khắc phục.
Chắc hẳn chúng ta đã chẳng còn mấy xa lạ mỗi khi ai đó nhắc tới Android Wear - hệ điều hành dành cho các thiết bị đeo với hiện thân là nền tảng chính dành cho loạt smartwatch vừa ra mắt cách đây ít lâu tại sự kiện Google I/O 2014 như
Samsung
Gear Live, LG G Watch hay sắp tới là Motorola Moto 360.
Không thể phủ nhận được những tiện ích mà hệ điều hành này đem lại cho những chiếc đồng hồ thông minh mà bạn đang sử dụng như điều khiển bằng khẩu lệnh, thông báo tin nhắn, lịch, cuộc gọi... hay thậm chí là cả điều khiển Smart Home. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những bất cập trên nền tảng mới của Google mà nếu không nhanh chóng cải tiến, thay đổi, thì biết đâu, tháng 9 tới, khi chiếc iWatch của Apple được ra mắt, sản phẩm của Táo Khuyết sẽ lại thống trị thường trường thiết bị đeo chứ không phải Google.
1. Hệ thống tìm kiếm ứng dụng mới
Một tiện ích mà Android Wear cung cấp cho người dùng đó là khả năng tự động - đồng bộ hóa các ứng dụng trên smartphone và đồng hồ thông minh. Do đó, hầu hết các ứng dụng trên điện thoại đều được tích hợp lên smartwatch của bạn và sự tiện lợi là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều này lại tỏ ra bất cập ở chỗ, trong một vài tình huống mà bạn không thể sử dụng khẩu lệnh để tìm kiếm, thì việc lựa được ứng dụng thông qua thao tác cuộn trên smartwatch là cực kì mất thời gian và bất tiện.
2. Cần có thẻ lịch sử mới
Được biết, giao diện chính trên Android Wear được sử dụng thông qua các thẻ chức năng, trong đó, mỗi thẻ sẽ được sử dụng vào các mục đích khác nhau như thông báo, email hay gọi điện... Thế nhưng, những rắc rối gần đây lại cho thấy, điều cần bổ sung trên nền tảng mới này đó là 1 thẻ lịch sử - liên quan tới các hoạt động gần đây của smartwatch. Bởi lẽ, nếu người dùng lỡ tay, xóa đi một thẻ nào thì phải hàng giờ, thậm chí là vài ngày sau, cho tới khi có thông báo mới trên thẻ thì chức năng đó mới lại xuất hiện.
3. Tôi không thể bắt đầu một cuộc trò chuyện trên Hangouts
Nếu ai đó gửi cho bạn một tin nhắn thông qua Google Hangouts, bạn hoàn toàn có thể trả lời tin nhắn đó ngay trên smartwatch chạy Android Wear, tuy nhiên, bạn lại không thể gửi một tin nhắn mới thông qua Hangouts cho những người bạn của mình. Điều duy nhất bạn có thể làm đó là gửi đi một lời nhắn thông qua hệ thống SMS thay vì ứng dụng mà mình yêu thích.
4. Hệ thống điều hướng mới
Mỗi khi bạn tham gia giao thông và sử dụng hệ thống điều hướng trên điện thoại thì những thông tin này cũng được chuyển sang các smartwatch chạy Android Wear. Điều này tỏ ra cực kì hữu ích khi bạn chỉ cần nhìn lướt qua chiếc đồng hồ trên tay mình mỗi khi cần xác định hướng rẽ. Thế nhưng điều bất tiện chính là việc Android Wear lại không hiển thị khoảng cách trước mỗi lần rẽ và một số tên phố quá dài, không thể hiển thị được hết lên màn hình đồng hồ. Do đó, rất cần có một hệ thống điều hướng mới để khắc phục những điểm yếu trên.
5. Không được tự quyết thẻ ưu tiên
Các thiết bị chạy Android Wear được Google trang bị một chức năng khá hữu dụng đó là thẻ ưu tiên được hiển thị ngay trên màn hình hiển thị nhằm cập nhật những thông tin quan trọng mà bạn cần lưu tâm. Tuy nhiên, sẽ thật nực cười khi nền tảng này không cho phép bạn quyết định đâu là một thông tin quan trọng đối với mình. Bởi Google lại quyết định thẻ ưu tiên thông qua một thuật toán của hãng thay vì để người dùng làm chủ thiết bị.
6. Thời gian để đọc lại tin nhắn trước khi gửi đi quá ngắn
Bên cạnh khả năng nhận diện giọng nói tuyệt vời mỗi khi bạn soạn một tin nhắn, thì độ trễ mỗi khi gửi tin lại trở thành nỗi bất tiện cho người dùng. Theo đó, trước khi một tin nhắn được tự động gửi đi, bạn chỉ có 2s để kiểm tra xem nội dung trong tin nhắn đã được viết ra theo đúng ý mình hay chưa. Và giả sử có sai sót nào đó, bạn phải ngay lập tức chạm vào phím Cancel để hủy và gửi đi một cách thủ công.
7. Không thể tùy biến thời gian chờ
Tương tự như trên điện thoại, smartwatch chạy Android sẽ hiển thị thông báo cho người dùng mỗi khi có tin nhắn, email, hay một số các tác vụ khác... Tuy nhiên, điều đáng nói là thông báo sẽ chỉ hiển thị trong vòng 3s, bằng không nó sẽ lại rơi vào chế độ màn hình khóa. Với những thông báo ngắn, việc đọc trong vòng 3s có vẻ như là điều đơn giản, vậy những thông báo dài thì sao? Hơn thế nữa, Android Wear cũng không cho phép bạn tùy chỉnh thời gian chờ của thiết bị và chắc chắn, đây sẽ là một trong những điều bất cập nhất mà người dùng gặp phải.
8. Thẻ thông báo chiếm gần hết màn hình smartwatch
Dù Android Wear gần như đã hoàn thiện sau những tuyên bố "chắc nịch" của Google trong sự kiện I/O 2014 nhưng vẫn còn đó những hạn chế gây không ít khó chịu cho người dùng. Đơn cử như việc các thẻ thông báo ưu tiên được hiển thị chiếm gần hết không gian trên màn hình, khiến việc xem đồng hồ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong khi đó, nhu cầu cơ bản của một chiếc đồng hồ là xem giờ thì lại không được chú trọng.
9. Thanh Settings của tôi ở đâu?
Tương tự như khi tìm kiếm một ứng dụng, người dùng sẽ rất vất vả để tìm ra được các thanh tùy chỉnh cơ bản trên thiết bị. Theo đó, để tìm được một chức năng cực kì cơ bản như thanh Settings, bạn sẽ phải chạm vào biểu tượng tìm kiếm và liên tục cuộn qua hàng tá các chức năng mà mình không quan tâm. Một gợi ý nho nhỏ là Google có thể tạo ra một biểu tượng tắt trên màn hình giúp cho việc tùy chỉnh các chức năng cơ bản đơn giản hơn, nhưng điều này xem chừng không khả thi khi những chiếc smartwatch hiện chỉ có diện tích là hơn 1,6 inch.
Tham khảo: Greenbot
0 nhận xét:
Đăng nhận xét