Cuộc sống ngày càng phát triển hơn nên đời sống của con người càng ngày càng đi lên, có nhiều tiện nghi hơn để phục vụ chính cuộc sống của mỗi người, thay bằng viêc xem giờ bằng đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn hay đồng hồ đeo tay thì chúng ta có thể xem giờ ở khắp nơi: trên điện thoại di động, trên máy tính, trên bảng điều khiển xe hơi,...Thế nhưng vẫn không gì có thể thay thế được vai trò của cái vật nhỏ bé trên cổ tay của hầu hết mọi người. Cho dù đang vội vàng đến sở làm, đang sốt ruột chờ một người bạn ở góc đường hay nhàn nhã ngồi đọc báo... mọi người đều có một thói quen chung: lật cổ tay lên để xem mấy giờ rồi.
Sự xuất hiện của các dòng đồng hồ
Chiếc đồng hồ treo tường đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ thứ 13 nhưng lịch sử của chiếc đồng hồ đeo tay lại chỉ mới bắt đầu cách đây 13 thập niên. Có lẽ người đầu tiên sở hữu đồng hồ đeo tay là nữ hoàng Elizabeth đệ nhất của Anh khi bà được tặng một chiếc vòng đeo tay mà trên đó được cột chặt một mặt đồng hồ nhỏ từ năm 1571. Tuy nhiên, phải đến năm 1880 đồng hồ đeo tay thực sự lần đầu tiên mới được hãng Girard-Perregaux của Thụy Sĩ sản xuất với số lượng nhiều, chủ yếu là cho lực lượng hải quân của Đức. Kể từ đó, đồng hồ đeo tay được sử dụng phổ biến trong quân đội và không ngừng được cải tiến.
Năm 1912 chiếc đồng hồ đeo tay có ngày tháng đầu tiên xuất hiện vào và sau đó là đồng hồ không ngấm nước vào 1915 để đáp ứng nhu cầu của quân đội trong thế chiến thứ nhất. Chính hình ảnh những chiếc xe bọc thép khiến cho hãng Louis Cartier nảy ra sáng kiến thiết kế loại đồng hồ không vào nước mang tên Xe tăng nổi tiếng. Đến 1932, đồng hồ lên dây bắt đầu bị “coi rẻ” với sự xuất hiện của loại lên dây tự động. Còn sự xuất hiện của chiếc đồng hồ điện tử đầu tiên, của Hamilton Ventura, vào năm 1957 thực sự là một bước đột phá lớn.
Khi Neil Amstrong bước vào mặt trăng với một chiếc Omega trên cổ tay hồi năm 1969 thì ở Thụy Sĩ đã có khoảng 1.600 hãng sản xuất đồng hồ. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, sự ra đời của công nghệ thạch anh (quartz) rẻ tiền đã làm cho hằng hà sa số hãng đồng hồ cổ điển phải phá sản. Đến năm 1984, tổng số nhân công trong ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ giảm xuống chỉ còn 30.000 so với 90.000 của thập niên 70. Con số này hiện nay ở mức khoảng 40.000 người.
Đồng hồ đeo tay khẳng định vị thế ...
Hiện nay, gần 90% đồng hồ đeo tay trên toàn thế giới có chuyển động quartz nhưng điều đó không có nghĩa là thế giới này chỉ toàn những chiếc đồng hồ rẻ tiền. Đối với phụ nữ, đồng hồ không chỉ là báo cho họ biết giờ giấc mà còn được xem là một trang sức hữu hiệu để làm đẹp cho phụ nữ. Đồng hồ nữ ngày nay thanh mảnh, nhẹ (nhờ chất liệu titan), đa dạng và sang trọng hơn bao giờ hết. Mặt đồng hồ nạm kim cương hoặc các loại đá quý khác không phải là điều gì xa lạ đối với quý bà thời nay. Một trong những khuynh hướng thời trang mới nhất là loại đổi màu cầu vồng, trong đó người sử dụng có thể thoải mái đổi màu dây và kim đồng hồ theo “gu” của mình.
Và công nghệ quartz cũng không thể làm giảm giá trị của một số loại đồng hồ cổ điển phức tạp có nhiều chức năng khác ngoài chuyện báo giờ, từ “công tác” theo dõi tuần trăng cho đến chuyện tính nợ cho người sử dụng.
Hãng đồng hồ trứ danh Petak Philippe cho biết một phần lớn trong số những đồng hồ Grand Complication (thuộc loại “de luxe” của hãng này) đã được đặt mua trước khi chúng kịp ra lò. Nhưng dù sao, những chiếc Grand Complication như 5059 thì vẫn đang có sẵn trên thị trường. Trông nó khá đơn giản nhưng lại chứa một bộ lịch vĩnh viễn về ngày, tháng, năm nhuận và âm lịch. Mặt sau đồng hồ có một nắp chắn bụi có thể mở ra, để lộ những hoạt động phức tạp, thú vị của bộ máy bên trong và nó có thể không vô nước ở độ sâu 25 mét.
Xem thêm: đồng hồ đeo tay đẹp phong cách mới.
Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét